Cách nấu lẩu cua đồng mồng tơi thơm ngon hết sảy

12/09/2022
Cách nấu lẩu cua đồng mồng tơi thơm ngon hết sảy

Bạn muốn vào bếp chiêu đãi cả nhà món ngon cuối tuần nhưng chưa biết ăn gì? Vậy thì một nồi lẩu cua đồng bổ dưỡng và lạ miệng sẽ là một ý kiến khá hay cho bạn đấy! Hãy cùng daubepgiadinh.com tham khảo cách nấu lẩu cua đồng mồng tơi trong bài viết sau nhé!

cách nấu lẩu cua đồng mồng tơi 2

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món lẩu cua đồng mồng tơi

Công thức sau đây được tính cho 4 người ăn. Tùy vào số lượng người và khẩu vị của từng gia đình, bạn có thể gia giảm cho phù hợp.

Nguyên liệu gồm có:

  • 500 gram cua đồng 500 gr
  • 500 gram xương ống
  • 3 bìa đậu hũ
  • 3 quả cà chua
  • 300 gram rau ăn kèm (mồng tơi, rau muống, rau cải)
  • 200 gram nấm rơm
  • 200 gram thịt bò
  • 1 kg bún tươi
  • Tỏi, hành, gừng băm nhỏ
  • Muối, nước mắm, đường, mì chính, hạt nêm, hạt tiêu xay

Quy trình thực hiện món lẩu cua đồng mồng tơi

Sơ chế nguyên liệu

Rau mồng tơi, rau muống, rau cải đem đi nhặt rồi rửa sạch sẽ, để ráo. Cà chua rửa sạch và bổ múi cau, nấm rơm bạn bổ làm đôi, đậu hũ cắt miếng vừa ăn.

cách nấu lẩu cua đồng mồng tơi 1 3

Xương ống bạn rửa thật kỹ với muối, rồi trần qua 3 phút với nước sôi. Tiếp tục rửa lại, sau đó để ráo nước.

Thịt bò thái mỏng, đem đi ướp với 1 ít gừng cho thơm. Bạn cũng có thể biến tấu với ba chỉ bò mỹ cuộn nấm kim châm nếu thích.

Cua đồng khi mua về sẽ bẩn và dính bùn nên phải rửa nhiều lần với nước. Sau đó bạn dùng tay tách mai cua ra để lấy riêng phần gạch cua ra 1 cái bát nhỏ. 

Phần còn lại đem đi xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố hoặc giã nhuyễn bằng chày, cối. Sau đó, cho nước lọc vào và lọc lấy nước cua.

Chế biến

Bước 1: Nấu nước dùng xương ống

cách nấu lẩu cua đồng mồng tơi 1 33

Bạn bắc bếp lên, phi thơm hành, sau đó cho xương ống vào đảo đều. Sau đó, cho thêm 2 lít nước vào và hầm trong vòng 2 giờ đồng hồ. Nếu sử dụng nồi áp suất chuyên dụng thì bạn chỉ cần ninh 30 phút là được. Thời gian ninh lâu giúp cho nước dùng được ngọt, tròn vị.

Bước 2: Nấu riêu cua

cách nấu lẩu cua đồng mồng tơi 14

Phần nước lọc cua vừa xay cho thêm nửa muỗng cà phê muối ăn, bắc lên bếp đun thật sôi cho đến khi thấy riêu cua đóng tảng và nổi lên trên bề mặt nước là đạt. Nên bật nhỏ lửa để tránh riêu cua bị vỡ. 

Bước 3: Xử lý phần gạch cua và chiên đậu hũ

Đợi cho dầu nóng, bạn cho hành và tỏi băm vào phi cho vàng thơm lên, sau đó cho gạch cua vào xào. Tiếp đến bạn cho cà chua vào xào cùng khoảng 5 phút là được. Trong khi xào nên dầm cà chua ra để khi nấu lẩu nước dùng sẽ có màu đẹp hơn.

Đậu hũ đem đi chiên màu vàng đẹp, ngoài giòn trong xốp, không bị quá khô là ngon nhất. Để miếng đậu ngon hơn thì khi chiên, bạn nên cho nhiều dầu và để lửa lớn.

Bước 4: Nấu nước lẩu

Sau khi đã hoàn tất các bước trên, bạn cho tất cả vào một cái nồi gồm: nước hầm xương ống, gạch cua xào cà chua, đậu hũ nước riêu cua.

Tiếp đó, cho thêm 1 muỗng cà phê hạt nêm, nửa muỗng cà phê tiêu xay, 1 muỗng cà phê nước mắm, nửa muỗng cà phê mì chính rồi đun lên và đợi sôi thêm 5 phút là được. Gia vị có thể tăng thêm hay giảm bớt là tùy khẩu vị.

Thành phẩm

cách nấu lẩu cua đồng mồng tơi 1

Vậy là chỉ với vài bước đơn giản là bạn đã hoàn thành món lẩu cua đồng mồng tơi rồi đấy. Nồi nước lẩu thơm nức đậm đà cùng với vị béo béo ngậy ngậy của riêu cua kết hợp với rau nhúng và bún tươi tạo nên một hương vị thơm ngon hết sảy. 

Nhất là trong những ngày mưa hay ngày đông giá rét thì còn gì hạnh phúc hơn được ngồi sum vầy cùng gia đình bên nồi lẩu khói bay nghi ngút.

Một số lưu ý để món lẩu cua đồng mồng tơi ngon hơn

Cách chọn cua đồng chuẩn

Hiện nay, lượng cua đồng trên thực tế không còn nhiều. Nếu không biết cách chọn, sẽ rất dễ mua nhầm cua nuôi. Bởi vậy, để chọn được đúng cua đồng thì bạn cần biết phân biệt rõ ràng giữa hai loại cua này:

  • Cua đồng: màu vàng đậm, mai cua bóng và chắc khỏe. Tuy nhỏ nhưng thịt của nó ngọt và chắc
  • Cua nuôi: yếu hơn, thường có màu đen nhợt và mai cua không được bóng, ít di chuyển. Trông có vẻ mập mạp nhưng bên trong lại rỗng và xốp hơn cua đồng.

Cần lưu ý là chọn cua đồng còn tươi sống. Dấu hiệu để nhận biết là khi bạn đụng vào thì nó sẽ cử động và phản xạ rất nhanh, thậm chí còn bám vào tay bạn. 

Những con cua ngon là những con có thân mập mạp, chắc khỏe, yếm cua không bị lún xuống khi ấn vào. Thường vào giữa tháng âm lịch thì cua thay vỏ nên sẽ gầy và ăn không được chắc thịt. Ngon nhất vẫn là ăn cua vào đầu hoặc cuối tháng thì thịt cua sẽ thơm ngon và ngọt nhất.

Một số lưu ý khác

Bạn nên mua thực phẩm tươi mới để có được nồi lẩu ngon nhất.

Xương ống ngon sẽ có màu tươi, không bị tái màu, không có mùi vị lạ, khi sờ vào không bị dính tay. 

Các loại rau ăn cùng, đắc biệt là rau mồng tơi cần tươi xanh, mới hái thì càng tốt. Rau ăn lẩu nên ăn đến đâu thì trụng đến đó vì rau sẽ được giòn, ngon hơn.

Lời kết

Bài viết trên là những bước đơn giản nhưng chi tiết nhất về cách nấu lẩu cua đồng mồng tơi. Hy vọng sẽ giúp bạn tự tin vào bếp để sửa soạn cho gia đình một bữa ăn ngon miệng. 

Tác giả: Hồng Thu

Với khát vọng đem ẩm thực Việt hội nhập bàn tiệc của thế giới, Chef Thu Hồng đã luôn trau dồi và học hỏi không ngừng để góp một phần nhỏ trong việc đưa nền ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế