Có rất nhiều cách nấu chè bưởi ngon, điều quan trọng là sơ chế sao cho cùi không còn đắng và giữ được độ giòn thì đã thành công 80%. Hôm nay, Đầu Bếp Gia Đình chia sẻ với bạn cách nấu chè bưởi An Giang với thành phẩm cùi bưởi giòn dai, cốt chè thơm mùi thốt nốt đặc trưng sánh đẹp hòa quyện cùng nước cốt dừa béo ngậy.
Bạn chỉ cần ghi nhớ và làm theo hướng dẫn dưới đây là sẽ có món chè ngon chiêu đãi cả nhà, đảm bảo ai ăn cũng khen.
Chè bưởi có xuất xứ từ miền Tây Nam Bộ nhưng được lòng thực khách mọi miền. Ảnh: Internet
Chè bưởi có nguyên liệu chính là cùi bưởi, phần cùi trắng của quả bưởi sau khi đã gọt hết lớp vỏ xanh bên ngoài. Cách nấu chè bưởi không khó nhưng lại rất kỳ công nên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm ra được một món chè bưởi ngon và chuẩn vị miền Tây. Tuy vậy, khi thưởng thức chén chè thơm dịu, ngọt mát thì không ai tiếc công sức bỏ ra.
Mục Lục
- 1 Chi tiết cách nấu chè bưởi An Giang ngon chuẩn vị
- 1.1 Nguyên liệu
- 1.2 Dụng cụ
- 1.3 Các bước nấu
- 1.3.1 Chế biến đậu xanh
- 1.3.2 Sơ chế và làm cùi bưởi nấu chè
- 1.3.3 Nấu nước cốt dừa
- 1.3.4 Thực hiện nấu chè
- 1.3.5 Hoàn thành và thưởng thức
- 1.4 Lưu ý
Chi tiết cách nấu chè bưởi An Giang ngon chuẩn vị
Nguyên liệu
Phần chè bưởi
- 1 quả bưởi da xanh
- 500g muối hạt
- 500g bột năng
- 500g đường cát
- 1kg đường thốt nốt
- 300g bột sắn dây
- 300g đậu xanh cà vỏ
- 10g muối tinh
- 50g lá dứa (lá nếp)
Phần nước cốt dừa
- 500ml nước cốt dừa
- 500ml nước dão dừa
- 100g bột sữa béo
- 150g đường
- 50g sữa đặc
- 4g muối
Dụng cụ
- Nồi, thau, dao, thớt, muôi (vá), xửng hấp, vải mỏng, chén …
Các bước nấu
Chế biến đậu xanh
300g đậu xanh ngâm với nước ấm có pha 5g muối. Ngâm từ 4 – 5 tiếng cho đậu ngậm đủ nước thì vớt ra xả sạch lại với nước, xóc cho đậu thật ráo.
Chuẩn bị xửng hấp, lót một lớp vải màn hoặc khăn xô bên dưới rồi đổ đậu xanh lên trên, hấp cách thủy khoảng 30 phút. Sau khoảng thời gian trên bạn mở nắp nồi, kiểm tra thấy đậu nở bung nhưng vẫn nguyên hạt không bị nát, ăn bùi thơm thì tắt bếp, đổ đậu ra đĩa cho nguội.
Đậu xanh chín mềm mà không nát. Ảnh: Internet
Sơ chế và làm cùi bưởi nấu chè
Khi gọt vỏ bưởi, bạn nên gọt sạch hết lớp vỏ xanh bên ngoài, đồng thời loại bỏ lớp xơ sát với múi bưởi vì phần đó bị mềm, khi nấu chè sẽ không giòn, chỉ giữ lại 500g phần cùi xốp nhất.
Cắt cùi bưởi thành những hạt lựu có kích thước khoảng 1.5 – 2cm, không quá to hay quá nhỏ. Vì nhỏ thì cùi tóp, to thì thành phẩm không đẹp.
Gọt và cắt cùi bưởi thành hạt lựu. Ảnh: Internet
Đun sôi 1,5 lít nước rồi đổ ra thau, hòa tan với 500g muối hạt, cho 500g cùi bưởi vào ủ trong 20 phút, sau đó bóp đều cùi và xả với nước lạnh cho hết mặn.
Bạn cứ bóp cùi, vắt và xả khoảng 7 lần cho đến khi sạch. Công đoạn này rất quan trọng, phải bóp thật kỹ và mạnh tay để tinh dầu bên trong ra hết nếu không cùi sẽ bị đắng. Theo kinh nghiệm bạn hãy xả cho đến khi không còn lớp váng tinh dầu trong chậu nước, hoặc có thể ăn thử một miếng cùi, khi thấy đã hết đắng thì vắt thật kiệt nước.
Cách xử lý cùi bưởi hết đắng siêu nhanh. Ảnh: Internet
Chuẩn bị 500g bột năng và 500g đường cát để ướp cùi bưởi. Bạn cho đường và 400ml nước vào nồi, bắc lên bếp đun sôi rồi để nguội hẳn.
Cùi bưởi đã vắt khô thì cho vào tô sạch, chia bột năng làm 6 phần rồi trộn 1 phần vào tô, dùng tay bóp thật mạnh cho bột ngấm hết vào cùi, sau đó cho 1/6 nước đường vào bóp cho quyện. Khi nước đường rút dần vào cùi bưởi thì lại cho tiếp 1 phần bột năng bóp kỹ xong, rồi lại đến 1 phần nước đường. Lặp lại thao tác trên đến khi hết đường và bột. Sau cùng đổ cùi ra rổ cho ráo bớt nước và chuẩn bị đem luộc.
Bắc nồi nước lên bếp, đun sôi, cho phần cùi bưởi đã áo bột năng vào luộc. Trong quá trình luộc, dùng phới lồng khuấy nhẹ tay đến khi sôi lại, cùi bưởi trong nổi lên thì vớt ra thả vào thau nước đá ngâm 10 phút để cùi bưởi trong và giòn. Vớt cùi bưởi ra rổ cho ráo nước. Như vậy là xử lý xong cùi bưởi.
Cùi bưởi sau khi luộc. Ảnh: Internet
Nấu nước cốt dừa
Hoà tan 4g muối, 150g đường và 500ml nước dão dừa trong nồi, sau đó bắc lên bếp, đun lửa vừa để sôi liu riu (không để sôi bùng sẽ bị tách béo và mất mùi thơm của dừa). Tiếp đến cho 100g bột sữa béo, 50g sữa đặc và 500ml nước cốt dừa vào khuấy đều, khi hỗn hợp vừa sôi lại thì tắt bếp.
Đun đến khi nước cốt dừa đạt độ sánh như mong muốn. Ảnh: Internet
Thực hiện nấu chè
Bắc một nồi nước khoảng 3 lít lên bếp, cho 1kg đường thốt nốt, 5g muối và 50g lá dứa vào đun sôi đến khi đường tan hết, vớt bỏ lá dứa. Hòa tan 300g bột sắn dây với chút nước, đổ từ từ vào nồi nước đường đang sôi, khuấy đều và liên tục theo một chiều cho tới khi bột chín và sánh lại, nếu bột chè chưa chín kỹ thì chè rất nhanh bị loãng, vữa.
Khi bột đã chín thì cho cùi bưởi vào, khuấy nhẹ trên lửa liu riu khoảng 7 phút, tiếp tục cho đậu xanh vào khuấy nhẹ tay, đun trong 5 phút. Cuối cùng đậy nắp nồi lại, đun lửa nhỏ thêm 1 phút rồi tắt bếp.
Khuấy nhẹ tay và theo một chiều. Ảnh: Internet
Hoàn thành và thưởng thức
Khi ăn bạn múc chè bưởi ra chén, chan nước cốt dừa lên trên và thưởng thức. Thành phẩm món chè có màu vàng óng, nấu đường thốt nốt nên ngọt nhẹ và thơm.
Chè bưởi phải ăn lạnh mới thấy hết được vị ngon, chè nóng ăn sẽ có vị đắng. Món chè hoàn hảo là khi chè dẻo quánh, cùi bưởi trong suốt ăn giòn sật, đậu xanh bở ngay đầu lưỡi nhưng vẫn nguyên hạt, thêm chút nước cốt dừa béo ngậy chắc chắn sẽ đem lại trải nghiệm tuyệt vời.
Những ngày hè oi ả hay chớm thu se lạnh mà được thưởng thức chén chè bưởi dân dã thì chẳng còn gì thú vị bằng. Ảnh: Internet
Lưu ý
- Chọn quả bưởi còn tươi, cầm nhẹ tay, gõ bộp bộp thì mới nhiều cùi và cùi tươi thì thành phẩm mới giòn. Ngon nhất là Bưởi Năm Roi hoặc da xanh vì loại bưởi này có cùi cứng và dày.
- Không nên dùng bưởi héo hay quá già vì phần cùi bị xơ và dễ nát.
- Cần gọt sạch lớp vỏ xanh bên ngoài, nếu còn dính chút vỏ xanh cũng sẽ gây đắng, lược bỏ phần cùi sát múi cho đỡ xơ.
- Đường để nấu chè bưởi nên sử dụng đường thốt nốt, đường phèn, đường mật, đường. Bạn có thể kết hợp một nửa đường thốt nốt, một nửa đường phèn để chè không gắt mà ngọt dịu, thanh mát.
- Để tạo mùi thơm cho chè, bên cạnh lá dứa bạn hãy cho một chút tinh dầu bưởi vào nồi chè sau khi đã hoàn thành.
- Bột sắn dây cần hòa tan với nước, luôn rót bột thành dòng chậm vào nồi khi nước đường đã sôi và khuấy đều tay thì chè sẽ trong, sánh và không bị vữa.
- Đậu xanh hấp vừa chín, bở mà không nát, cho vào chè sau khi chè đã sánh để tránh phải khuấy nhiều làm nát đậu.
- Đặc biệt, chè bưởi đậu xanh muốn ngon trọn vẹn thì không thể thiếu phần nước cốt dừa làm từ dừa tươi để lấy được hết độ béo, ngậy.
- Nên sử dụng nồi đế thật dày để nấu chè thì sẽ không bị bén đáy, không khiến chè khét.
- Tuyệt đối không nếm thử vào vá (muôi) dùng để khuấy chè. Dùng hộp đựng sạch, khô để múc chè thì chè sẽ bảo quản được lâu, không bị vữa.
- Bạn có thể làm sơ chế cùi bưởi với số lượng lớn rồi cấp đông, khi cần lấy ra nấu sẽ tiết kiệm thời gian.
Chọn bưởi da xanh để nấu chè sẽ ngon hơn. Ảnh: Internet
Đầu Bếp Gia Đình vừa hướng dẫn bạn cách nấu chè bưởi ngon chuẩn vị mà mà người dân Nam Bộ vẫn hay thường làm rồi đấy.
Trong bất cứ thời tiết nào, một chén chè bưởi với màu vàng tươi của đậu, sóng sánh, phía trên đông đặc nước cốt dừa luôn làm hài lòng những vị khách khó tính nhất trong gia đình bạn. Chúc bạn thực hiện thành công.