Với hương vị chua chua cay cay, lẩu Thái được nhiều người yêu thích, lựa chọn thưởng thức cùng bạn bè, người thân trong những buổi sum họp, cuối tuần. Cách nấu lẩu Thái đúng chuẩn, thơm ngon làm xiêu lòng người ăn không quá phức tạp. Hãy cùng Đầu Bếp Gia Đình tham khảo công thức siêu đơn giản dưới đây và bắt tay vào thực hiện ngay nhé.
Lẩu Thái là món ăn có hương vị chua cay làm “say” lòng người thưởng thức (Ảnh: Internet)
Lẩu Thái là món ăn biến tấu từ món canh chua Tom yum nổi tiếng của xứ sở chùa vàng Thái Lan. Ngoài hương vị chua, cay, ngọt hòa quyện, món ngon này cũng chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao bởi kết hợp nhiều nguyên liệu như thịt bò, thịt gà, hải sản, chả cá, nấm, các loại rau.
Các loại rau ăn kèm với lẩu Thái bao gồm rau muống, rau nhút, rau cần nước, cần tây, cải thảo, cải bó xôi, bắp chuối, mồng tơi, cải bẹ xanh, kèo nèo… và các loại nấm.
Học cách nấu lẩu Thái để tự tay vào bếp trổ tài chiêu đãi cả nhà trong những ngày có tiết trời se lạnh thì còn gì tuyệt vời bằng.
Mục Lục
- 1 Cách nấu lẩu Thái chua cay đơn giản
- 1.1 Nguyên liệu nhúng
- 1.2 Nguyên liệu làm nước chấm
- 1.3 Nguyên liệu nấu nước dùng
- 1.4 Các bước nấu
- 1.4.1 Sơ chế nguyên liệu
- 1.4.2 Nấu nước lẩu
- 1.4.3 Làm nước chấm
- 1.4.4 Trình bày và thưởng thức
- 1.5 Bí quyết nấu ngon và một số lưu ý
- 1.5.1 Bí quyết nấu lẩu ngon
- 1.5.2 Một số lưu ý khi ăn
- 2 Học nhanh cách nấu bằng gói gia vị
Cách nấu lẩu Thái chua cay đơn giản
Nguyên liệu nhúng
- 1kg thịt bò
- 1kg tôm
- 5kg mực
- 1kg bạch tuộc
- 1kg nghêu
- 1kg bún tươi
- Các loại nấm: Nấm rơm, nấm đùi gà, nấm, hương, nấm kim châm…
- Các loại rau ăn kèm: Rau muống, rau cần nước, cải bẹ xanh, cần tây, cải thảo, cải bó xôi, bắp chuối, kèo nèo, bông bí, mồng tơi…
Nguyên liệu làm nước chấm
- 1 quả chanh
- 3 muỗng cà phê đường
- 3 muỗng cà phê muối
- ½ muỗng cà phê bột ngọt
- Vài trái ớt
- Wasabi
- Cải xanh
Nguyên liệu nấu nước dùng
- 1kg xương ống
- 2 trái ớt tươi
- 10 lá chanh
- 2 củ riềng
- 5 nhánh sả
- 5 tép tỏi
- 1 củ hành tím
- 1 củ hành tây
- 3 quả cà chua
- 1 nhánh quế
- Các loại gia vị: Tương ớt, tương cà, muối, đường, bột ngọt, sa tế, dầu ăn…
Các bước nấu
Sơ chế nguyên liệu
Rửa sạch xương ống với nước muối pha loãng, đập dập phần khớp xương.
Loại bỏ đường chỉ đen trên lưng tôm, rửa sạch, cắt bỏ râu.
Rửa sạch mực, bạch tuộc, cắt thành từng miếng vừa ăn.
Ngâm nghêu trong âu nước có thêm vài lát ớt thái mỏng khoảng 30 phút, vớt ra để trên đĩa.
Rửa sạch thịt bò, cắt thành lát mỏng vừa ăn.
Cắt thịt bò sau khi sơ chế thành lát mỏng để nhúng lẩu nhanh mềm (Ảnh: Internet)
Bóc lớp ngoài của sả, rửa sạch, cắt khúc rồi đập dập.
Bóc vỏ tỏi, hành tím, đập dập, băm nhuyễn.
Cạo vỏ củ riềng, cắt lát mỏng.
Lá chanh rửa sạch với nước muối pha loãng, vò nhẹ.
Bóc vỏ hành tây, rửa sạch cùng cà chua rồi bổ múi cau.
Nhặt bỏ lá úa vàng, gốc rễ của các loại rau ăn kèm, cắt thành khúc ngắn vừa ăn, rửa với nước muối pha loãng, để trên rổ cho ráo nước.
Ngâm các loại nấm ăn kèm với nước muối pha loãng, vớt để trên rổ, với nấm đùi gà thì cắt thành lát vừa ăn.
Rửa sạch nấm rơm để ăn với lẩu Thái (Ảnh: Internet)
Nấu nước lẩu
Bắc nồi nước lên bếp, nước sôi thì cho xương ống vào chần sơ qua để loại bỏ mùi hôi và bọt bẩn. Vớt xương ống ra ngoài, cho vào nồi khác, cho thêm 3.5 lít nước, bắc lên bếp đun sôi.
Khi nồi nước sôi, nấu thêm khoảng 20 phút, rồi thêm vào 1 nhánh quế, lá chanh, riềng, sả đập dập, hạ nhỏ lửa.
Tiến hành nêm nếm gia vị bao gồm 2 muỗng cà phê muối, 3 muỗng cà phê đường, 5 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng cà phê bột ngọt để nước dùng thêm đậm đà.
Hầm xương để tạo vị ngọt cho món lẩu Thái (Ảnh: Internet)
Bắc chảo lên bếp, cho thêm ít dầu ăn, đợi dầu nóng thì cho hành, tỏi băm nhuyễn vào phi thơm, cho tiếp 1 muỗng canh tương ớt, 1 muỗng canh tương cà, cà chua, hành tây vào xào chung. Sau đó, cho hỗn hợp này vào nồi nước dùng đang ninh trên bếp.
Để nước lẩu có thêm vị cay, bạn cho 2 muỗng canh sa tế, tiếp tục ninh trên bếp.
Làm nước chấm
Khi thực hiện pha nước chấm ăn lẩu Thái, bạn có thể làm theo 1 trong 2 cách đơn giản sau:
Cách 1:
- Lấy nước cốt 1 trái chanh, 3 muỗng canh đường, ½ muỗng canh cà phê bột ngọt, ớt băm nhỏ, 3 muỗng cà phê muối, lá chanh cắt nhuyễn, lá cải xanh (đã bỏ cuống), 1 ít wasabi cho vào hợp vào máy xay, xay nhuyễn là hoàn thành.
Cách 2:
- Cho 3 muỗng cà phê muối, 3 muỗng canh đường, ½ muỗng canh cà phê bột ngọt, ớt băm nhỏ cho vào cối giã nhuyễn, vắt nước cốt chanh vào, khuấy đều rồi cho ra bát.
Dùng nước cốt chanh để làm nước chấm thêm đậm vị (Ảnh: Internet)
Trình bày và thưởng thức
- Múc nước dùng sang nồi lẩu, bắc lên bếp ga mini đặt giữa bàn.
- Bày các loại nguyên liệu thịt bò, nghêu, tôm, mực, bạch tuộc nhúng vào lẩu rồi ăn kèm với nấm, các loại rau và thưởng thức kèm bún tươi và nước chấm vừa chuẩn bị.
Trình bày các loại hải sản, rau ăn kèm với nồi lẩu lên bàn (Ảnh: Internet)
Bí quyết nấu ngon và một số lưu ý
Bí quyết nấu lẩu ngon
Bạn có thể áp dụng một số bí quyết trong cách nấu nước lẩu Thái ngon như ngoài hàng tại nhà như sau:
- Có thể bổ sung xương gà để ninh nước dùng tạo vị ngọt tự nhiên có nước lẩu.
- Ngoài những nguyên liệu hải sản, thịt, rau củ nhúng lẩu trên, các bạn có thể bổ sung hoặc giảm bớt tùy theo sở thích cá nhân.
- Có thể dùng giấm bỗng hoặc nước cốt me để tạo vị chua đậm đà cho món ăn.
- Khi thêm sa tế, bạn có thể linh động tùy chỉnh liều lượng để phù hợp với khẩu vị gia đình.
- Trong quá trình ninh xương nấu nước dùng, bạn cần vớt bọt thường xuyên để thành phẩm đẹp mắt hơn.
- Bên cạnh bún tươi, bạn cũng có thể dùng mì hoặc miến chung lẩu Thái.
- Bạn cũng có thể dùng các loại củ như cà rốt, củ cải trắng, su hào, thảo quả, bắp, mướp… để ninh tạo vị ngọt thanh cho nước dùng.
- Sau thời gian ninh xương, bạn cho thả một quả trứng gà vào nồi, lòng trắng trứng sẽ hút hết bọt nổi trên bề mặt nước, lúc này bạn chỉ cần vớt trứng ra ngoài là được.
Dùng rau củ hầm với xương để tạo vị ngọt thanh cho nước dùng (Ảnh: Internet)
Một số lưu ý khi ăn
Lẩu Thái là món ăn ngon, hấp dẫn được nhiều người yêu thích, tuy nhiên khi thưởng thức bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Đặc trưng của món lẩu này là vị chua cay, do đó món ăn này không phù hợp với người bị đau dạ dày. Đồng thời, những người có hệ tiêu hóa yếu không nên ăn các loại lẩu có chứa quá nhiều chất đạm, hải sản.
- Người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, nhiễm mỡ trong máu cũng nên hạn chế ăn lẩu Thái bởi món ăn này có chứa nhiều đạm mỡ.
- Lẩu Thái sử dụng khá nhiều loại gia vị do đó phụ nữ mang thai cũng cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.
- Vì đồ nhúng lẩu chủ yếu là hải sản nên sau đó bạn không nên ăn kèm với các loại hoa quả giàu vitamin C để tránh trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.
Người đau dạ dày nặng không nên ăn lẩu Thái (Ảnh: Internet)
Học nhanh cách nấu bằng gói gia vị
- Để rút ngắn thời gian nấu lẩu, bạn có thể tham khảo cách nấu lẩu Thái hải sản bằng gói gia vị cực đơn giản. Sử dụng gói gia vị này, bạn không cần nêm nếm thêm bất cứ gia vị nào cũng đảm bảo có được thành phẩm thơm ngon đúng chuẩn. Bạn chỉ cần cho 1 gói gia vị vào nồi có khoảng 1.8 lít nước, bắc lên bếp đun sôi.
- Hiện nay, bạn có thể dễ dàng mua được gói gia vị nấu lẩu Thái tại các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, siêu thị… trên toàn quốc. Một số loại gói gia vị được ưa chuộng như Aji-Quick, lẩu Thái chua cay Scook, gói gia vị Việt Hương… Mỗi loại có một đặc trưng hương vị cũng như độ chua, cay khác nhau.
Chỉ cần thực hiện vài bước đơn giản theo hướng dẫn cách nấu lẩu Thái trên, bạn đã có ngay nồi lẩu nóng hổi để cả nhà cùng thưởng thức rồi. Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa thưởng thức nồi lẩu vừa trò chuyện bên nhau trong tiết trời se lạnh nữa.
Chúc các bạn thực hiện thành công nhé!