Cho bé ăn dặm là một trong những giai đoạn quan trọng giúp cung cấp thêm các chất dinh dưỡng nhằm thúc đẩy sự phát triển của bé. Ngoài bột ăn dặm, sữa hay các sản phẩm bánh ăn dặm có sẵn trên thị trường, bố mẹ nên tìm hiểu cách làm bánh ăn dặm cho bé, để có thể lựa chọn được thực phẩm tốt, hương vị hay hình dạng bánh để kích thích vị giác bé hơn và giúp bé hứng thú hơn trong việc ăn uống.
Trong bài viết này, daubepgiadinh sẽ hướng dẫn mẹ các cách làm bánh ăn dặm cho bé cực kì đơn giản, hấp dẫn và bổ dưỡng.
Mục Lục
Thời điểm nào thì nên bắt đầu cho bé ăn dặm?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe bé yêu của Viện dinh dưỡng Quốc gia, bé từ 6 tháng tuổi nên bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm. Vì từ thời điểm này, những chất dinh dưỡng cũng như năng lượng trong sữa mẹ không còn đủ để đáp ứng nhu cầu của bé.
Mẹ cũng nên theo dõi những dấu hiệu mà bé đang đòi ăn dặm. Từ tháng thứ 6 trở đi, bé có thể bắt đầu ngồi dậy và giữ vững đầu khi ngồi. Khi đó, bé sẽ bắt đầu quan tâm, thích thú và cố gắng đưa đồ ăn vào miệng, ngậm và nhai. Nếu bé nhà bạn có những dấu hiệu này, điều đó đồng nghĩa với việc bé đã sẵn sàng để ăn dặm.
Cách làm bánh ăn dặm cho bé từ sữa công thức
Bánh flan sữa công thức
Nguyên liệu:
- Sữa công thức: 60ml
- Trứng gà: 1 quả
- Dụng cụ: nồi hấp, rây, hũ thủy tinh,…
Cách làm:
- Tách lấy lòng đỏ trứng gà và dùng muỗng đánh tan.
- Đun 60ml sữa công thức trên lửa nhỏ cho đến khi sôi lăn tăn.
- Cho từ từ sữa vào trứng rồi tiếp tục khuấy đều và nhẹ tay, tránh tạo bọt để bánh được mịn.
- Lọc hỗn hợp qua rây, cho vào hũ thủy tinh, rồi đem đi hấp cách thủy trong vòng 15 – 20 phút.
Lưu ý: Hấp bánh ở lửa nhỏ để hỗn hợp trứng sữa không bị sôi lên và rỗ bánh.
Dùng tăm đâm vào bánh, để kiểm tra bánh chín hay chưa. Nếu tăm còn dính phần sữa trứng thì bánh chưa chín, nếu tăm sạch thì bánh đã chín.
Đậy kín nắp hũ và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh trong vòng 2 ngày.
Bánh táo yến mạch
Nguyên liệu:
- Sữa công thức: 80ml
- Yến mạch: 20-gram
- Táo: ⅓ quả
- Phomai lạt: 1 lát
- Dụng cụ: máy xay, nồi hấp, bát, màng bọc thực phẩm,…
Cách làm:
- Táo bỏ vỏ, cắt nhỏ. Cho hỗn hợp táo, yến mạch, sữa và phomai vào xay nhuyễn.
- Cho hỗn hợp ra bát và dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, rồi cho vào nồi hấp cách thủy trong khoảng 20 – 30 phút.
Lưu ý: Mẹ nên lựa chọn loại táo ít chua nhất có thể để bé ăn ngon miệng hơn.
Mẹ cũng có thể thêm ít đường nếu bé trên 1 tuổi.
Bánh chuối yến mạch nướng
Nguyên liệu:
- Sữa công thức: 80ml
- Chuối chín: 3 trái
- Yến mạch: 6 muỗng canh
- Trứng gà: 2 quả
- Dầu mè
- Dụng cụ: máy xay, nồi chiên không dầu (hoặc chảo chống dính), bát,…
Cách làm:
- Yến mạch và chuối cho vào máy xay nhuyễn rồi cho ra bát.
- Tách lấy lòng đỏ trứng gà, rồi cho vào hỗn hợp chuối yến mạch và đánh đều.
- Thêm sữa vào hỗn hợp trên, sau đó thêm dầu mè và trộn đều.
- Để 10 phút cho các nguyên liệu ngấm vào nhau.
- Có thể nướng bánh trong nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 180 độ C từ 15 – 20 phút hoặc nướng bánh bằng chảo chống dính.
Bánh sữa gạo phomai
Nguyên liệu:
- Sữa công thức: 180ml
- Gạo: 2 muỗng cà phê
- Phomai lạt: 1 miếng
- Dụng cụ: máy xay, nồi hấp, rây,…
Cách làm:
- Rửa sạch gạo rồi cho vào nồi nấu với 80ml nước, cho đến khi cạn nước.
- Cho sữa công thức, phomai và phần gạo đã nấu chín vào máy xay nhuyễn, rồi lọc qua rây.
- Cho hỗn hợp vào hũ thủy tinh rồi hấp cách thủy trong vòng 20 – 25 phút với lửa thật nhỏ.
Cách làm bánh ăn dặm cho bé với bột mì
Bánh bông lan sữa chua
Nguyên liệu:
- Bột mì: 30-gram
- Trứng gà: 2 quả
- Sữa chua không đường: ½ hộp
- Bột bắp: 1 muỗng canh
- Bột nở: ¼ muỗng canh
- Dầu oliu: ½ muỗng canh
- Dụng cụ: nồi hấp (hoặc lò nướng), rây, bát,…
Cách làm:
- Lấy lòng đỏ trứng đánh tan rồi khuấy đều với sữa chua không đường và dầu ăn.
- Bột nở và bột mì trộn đều lại với nhau.
- Rây lần lượt hỗn hợp bột nở, bột mì và bột bắp vào. Đánh đều rồi cho vào khuôn.
- Hấp trong khoảng 20 – 25 phút hoặc nướng ở 150 độ C 30 phút.
Lưu ý: Mẹ cho vào khuôn khoảng ⅔ để khi bánh chín sẽ nở và không bị tràn.
Với bé trên 1 tuổi, mẹ có thể làm cả lòng trắng trứng, khi đó thì không cần dùng bột nở.
Bánh lòng đỏ trứng gà
Nguyên liệu:
- Bột mì: 5 muỗng canh
- Trứng gà: 1 quả
- Dầu oliu
- Dụng cụ: chảo không dính, rây, bát,…
Cách làm:
- Tách lấy lòng đỏ trứng gà.
- Bột mì rây mịn. Sau đó, cho lòng đỏ trứng và một ít nước lọc vào rồi đánh tan cho đến khi hỗn hợp sệt lại.
- Bắc chảo lên bếp, dùng dầu oliu để rán bánh. Múc từng muỗng bột và rán đến khi bánh vàng đều là được.
Bánh bí đỏ khoai lang
Nguyên liệu:
- Bí đỏ: 100-gram
- Khoai lang: 100-gram
- Bột mì: 100-gram
- Bột bắp: 40-gram
- Dụng cụ: nồi hấp, máy xay, bát, chảo,…
Cách làm:
- Bí đỏ và khoai lang: gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng miếng nhỏ. Với khoai lang, mẹ nên nhớ khi cắt xong phải ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút. Để cho khoai không bị thâm đen và bớt nhựa chát.
- Hấp khoai lang và bí đỏ cho đến khi chín mềm trong khoảng 20 – 30 phút.
- Cho lần lượt khoai lang và bí đỏ xay nhuyễn và để riêng.
- Pha 50-gram bột mì, 20-gram bột bắp và 30ml nước lọc với bí đỏ. Với khoai lang, thì mẹ pha với 70ml nước lọc và phần bột còn lại. Vì khoai lang đặc hơn, nên dùng nhiều nước hơn.
- Cho lần lượt hỗn hợp bột bí đỏ và khoai lang vào khuôn. Mẹ nhớ lắc nhẹ để bột dàn đều.
- Hấp cách thủy với lửa vừa trong 20 – 30 phút. Khi hấp, mẹ dùng miếng vải mỏng đậy trên nắp nồi, để tránh nước đọng nhỏ xuống bánh.
Bánh hạnh nhân phomai
Nguyên liệu:
- Hạnh nhân: 15 hạt
- Trứng gà: 2 quả
- Phomai: 2 viên
- Bột mì: 2 muỗng canh
- Dầu oliu
- Dụng cụ: nồi chiên không dầu (hoặc chảo không dính), máy xay, bát, khuôn tạo hình,…
Cách làm:
- Tách lấy lòng đỏ trứng gà.
- Hạnh nhân ngâm qua đêm, sau đó bỏ vỏ, rồi đun trong 15 – 20 phút cho chín và xay nhuyễn.
- Trộn đều hạnh nhân xay, bột mì, lòng đỏ trứng gà, phomai. Ép khuôn tạo hình theo ý thích.
- Quét 1 ít dầu oliu lên mặt bánh rồi cho vào nồi chiên không dầu ở 150oC khoảng 15 phút.
Lợi ích của việc dùng bánh ăn dặm cho bé
Bánh ăn dặm giúp bé tập nhai, phát triển cơ hàm
Các loại bánh ăn dặm dù là tự chế biến hay mua ngoài thị trường đều có đặc tính dễ tan trong nước, không quá khô. Sẽ không làm cho bé bị nghẹn hay hóc thức ăn trong khi tập ăn. Nên sẽ giúp cho bé tập nhai vô cùng hiệu quả và an toàn.
Giúp kích thích vị giác, làm cho bé hứng thú hơn trong việc ăn uống
Các loại bánh ăn dặm thường được chế biến từ nhiều nguồn hương vị, thực phẩm khác nhau. Giúp cho bé làm quen với đa dạng các món ăn hơn, từ đó kích thích được vị giác của bé.
Bên cạnh đó, các loại bánh ăn dặm còn được chế biến theo nhiều hình dạng khác nhau. Sẽ làm cho bé thêm tò mò, tạo cảm giác thích thú hơn trong mỗi bữa ăn của bé.
Tạo cho bé tính tự lập khi ăn uống
Tập cho bé ăn là một quá trình lâu dài đòi hỏi mẹ phải sử dụng đúng phương pháp và kiên nhẫn với bé. Việc sử dụng bánh ăn dặm, giúp bé có thể tự cầm nắm để ăn hay mẹ có thể để bé tự học cách ăn theo bản năng của mình.
Vì vậy, trước mỗi buổi ăn, mẹ nhớ vệ sinh thật sạch đôi tay cho bé. Để bé có thể thoải mái tự chủ động trong việc ăn uống.
Bánh ăn dặm có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, an toàn cho bé
Khi mẹ tự làm bánh ăn dặm cho bé, có thể lựa chọn những loại thực phẩm tốt, có nguồn gốc rõ ràng, không chất bảo quản, phẩm màu an toàn tuyệt đối cho bé.
Với các loại bánh có sẵn trên thị trường, đều có chứa các chất dinh dưỡng cần thiết như tinh bột, đạm, xơ, chất béo,… và nhiều loại vitamin. Cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng giúp bé phát triển.
Những lưu ý khi làm bánh ăn dặm cho bé
Nguyên tắc chọn thực phẩm
Các nhóm chất thiết yếu có trong thực phẩm mà mẹ nên lựa chọn và bổ sung cho bé:
- Chất béo: có trong dầu, bơ,…
- Chất bột đường: có trong gạo, bột mì, ngũ cốc,…
- Đạm: có trong sữa, trứng, thịt, cá,…
- Khoáng chất và vitamin: có trong các loại rau củ quả, hải sản,…
Các loại thực phẩm này phải đảm bảo an toàn, sạch, không hóa chất có hại, chất bảo quản.
Chế biến món ăn phù hợp với từng giai đoạn của bé
Giai đoạn bé 5 – 7 tháng tuổi: phải dùng các loại bánh mềm, dễ tan trong nước. Hương vị nên chọn thiên về rau củ quả và thực phẩm hữu cơ.
Giai đoạn bé 8 – 10 tháng tuổi: có thể dùng bánh xốp và giòn hơn những không quá khô và có độ mềm nhất định.
Giai đoạn 10 – 12 tháng: giai đoạn này, bé có thể ăn các loại bánh cứng, khô hơn.
Lưu ý khi sử dụng gia vị
Muối: Với bé dưới 1 tuổi, chức năng thận còn yếu, lượng muối cần cho cơ thể khoảng 1-gram/ngày. Lượng muối này đã có sẵn trong sữa, ngũ cốc, hoa quả, thịt, cá, trứng, sữa,… Vì vậy, khi chế biến món ăn cho bé, mẹ không nên cho thêm muối vào.
Đường: đường không phải là một chất dinh dưỡng cần thiết cho bé, nó chỉ chứa năng lượng nhưng không cung cấp vitamin hay khoáng chất. Với trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi, mẹ không nên cho đường vào thức ăn của bé. Vì đường sẽ làm gây ra cảm giác ngang dạ, không thèm ăn vào bữa chính.
Mật ong: với bé dưới 1 tuổi, mật ong có thể gây ngộ độc, táo bón, hôn mê. Vì trong mật ong chứa bào tử của Clostridium botulinum cũng như chứa một hàm lượng đường rất lớn.
Lời kết
Qua bài bài viết trên, daubepgiadinh đã chia sẻ cho mẹ các cách làm bánh ăn dặm cho bé cực kì đơn giản nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng. Cũng như những kiến thức mà mẹ nên biết khi chế biến bánh ăn dặm cho bé.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể tham khảo thêm một số cách chế biến món ăn khác cho bé tại trang web của Đầu bếp gia đình mẹ nhé!